Làng nghề lược sừng Thụy Ứng
10:52 - 26/03/2019
Từ hàng trăm năm nay, làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình (Thường Tín - Hà Nội) tự hào là nơi làm ra những chiếc lược sừng vừa bền, vừa tiện dụng, thẩm mỹ cao, được xuất khẩu đi nước ngoài và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.
Làng nghề mây tre đan Ninh Sở
Làng nghề dệt lanh Lùng Tám - Quản Bạ Hà Giang
Làng nghề sơn mài Hạ Thái
Theo dân làng thì nghề làm lược sừng của Thụy Ứng đã có cách đây gần 400 năm. Sau khi được "ông tổ" nghề truyền dạy cho dân làng rồi cứ thế đời này qua đời khác làm nghề và phát triển. Lúc đầu, chiếc lược có hình vuông, sau cải tiến thành hình cong như múi bưởi, chiếc lược không những đẹp hơn mà còn có độ bền lâu. Những chiếc lược sừng thủ công của Thụy Ứng đến nay đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng. Trong làng, nhiều người đã sống với nghề làm lược. Vì vậy, những người thợ lược cũng cố gắng để cho ra đời những sản phẩm ngày càng đẹp hơn, nhiều tác dụng hơn. Xưa kia lược chỉ có một loại răng đều nhau, sau có cả loại lược răng mau, răng thưa, việc tạo hình lược cũng đa dạng hơn. Những chiếc lược sừng nhỏ bé đã giúp đời sống của người dân làng quê vốn thuần nông khấm khá hơn. Làng Thụy Ứng có khoảng 700 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, có thời điểm trên 60% hộ làm nghề, giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và vùng lân cận.
Lược Thụy Ứng đến nay không chỉ có mặt trong nước mà đã vươn ra thị trường nước ngoài. Những chiếc lược sừng được các bạn hàng như: Nhật Bản, Hàn Quốc,…ưa chuộng, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân Thụy Ứng. Gặp những người thợ trẻ, nghe họ nói về mỗi sản phẩm của mình, về những chuyến hàng được xuất khẩu sang các nước bạn, đem lại niềm vui mừng cho nhiều người vì nghề cổ của Thụy Ứng đang được bảo tồn và phát triển cùng sự đi lên của đất nước.
Không chỉ là làng nghề độc đáo, với bàn tay tài hoa, thế hệ trẻ làng Thụy Ứng hôm nay năng động, tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ chất liệu sừng trâu, bò, như: vòng tay, đĩa khay, trâm cài tóc, vật dụng thìa dĩa, vòng tay, khung tranh, các tác phẩm mỹ nghệ, nghệ thuật… để mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.
Trước sự hồi sinh và phát triển của làng nghề Thụy Ứng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang đặt ra để giúp làng nghề Thụy Ứng phát triển bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của Hà Nội.
Hình ảnh về nghề làm lược thủ công ở làng Thụy Ứng.
Những chiếc sừng trâu, bò có chất lượng tốt được đưa về để chế tác sản phẩm.
Để làm ra chiếc lược sừng người thợ Thụy Ứng phải làm qua một số công đoạn như cắt gọt chọn những miếng sừng phù hợp, sau đó vệ sinh, dùng dầu nhớt đun sôi làm mềm sừng trước khi ép thành miếng để sử dụng chế tác sản phẩm.
Chiếc máy ép sừng thủ công sau khi sừng đựợc làm mềm bằng dầu nhớt đun sôi.
Phần thô một chiếc lược sừng.
Kỹ thuật tạo răng lựợc của người thợ làng Thụy Ứng.
Một công đoạn làm bóng khô lược.
Tiếp đó lược được đánh bóng bằng cao su và nước để tạo độ trơn đẹp.
Những họa tiết được người thợ chạm khắc khéo léo tạo vẻ đẹp thẩm mỹ cho chiếc lược.
Sản phẩm lược sừng Thụy Ứng.
Ngôi đình Thụy Ứng nơi lưu giữ và tôn thờ truyền thống văn hóa của làng nghề.