Làng nghề mây tre đan Ninh Sở
12:41 - 26/03/2019
Nghề đan song, mây, tre, giang làng Ninh Sở (huyện Thường Tín) có từ đời Lê Cảnh Hưng thế kỷ thứ XVIII. Theo các cụ cao niên ở đây, xưa kia người dân vì không có đất và cuộc sống khó khăn nên đã tạo ra các công cụ để mò cua, bắt ốc. Từ nhu cầu kiếm sống đó mà nghề đan lát (hàng tre đan) phát triển, không những sản xuất đủ dùng mà còn mang bán sang các vùng lân cận. Gọi là hàng tre đan nhưng người Ninh Sở.
Làng nghề lược sừng Thụy Ứng
Làng nghề dệt lanh Lùng Tám - Quản Bạ Hà Giang
Làng nghề sơn mài Hạ Thái
Sản phẩm mây tre đan Ninh Sở đa dạng về mẫu mã.
Nghề tre đan phát triển, tinh xảo đến mức người thợ chỉ cần nhìn vào ảnh mà nghĩ được cách đan, tạo thành những bức tranh phong cảnh hay chân dung rất sinh động, như những tác phẩm nghệ thuật. Từ những năm 20 của thế kỷ XX đến nay, nhiều nghệ nhân hàng tre đan Ninh Sở có sản phẩm được đem trưng bày ở các hội chợ mỹ nghệ trong nước. Năm 1931, những sản phẩm song, mây, tre, giang đan của Ninh Sở được trưng bày tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ tại Paris-Thủ đô nước Pháp.
Ghé thăm Ninh Sở trong một chiều cuối năm, ấy thế nhưng chúng tôi lại thấy thiếu đâu đó những nhộn nhịp, tất bật của các cơ sở làm nghề mây, tre đan vốn là “đặc sản” của nơi đây. Bí thư Đảng uỷ xã Ninh Sở, Lê Hồng Lân, anh chia sẻ với chúng tôi những khó khăn làng nghề. Vốn dĩ gia đình anh cũng đã từng trực tiếp tham gia sản xuất, ấy thế nhưng sau khi Đông Âu tan vỡ, nguồn thị trường của người dân cũng bị ảnh hưởng. Từng là nghề đem lại nguồn thu nhập chính, đến nay mây, tre đan chỉ còn là nghề phụ lúc nông nhàn. “Năm 2001, Ninh Sở có 5 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để nghề được duy trì và phát triển. Tuy nhiên với tình hình thực tế, giá thành nguồn nguyên liệu đầu vào cao, đầu ra thị trường khó, người dân không mấy tha thiết với nghề. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với chính quyền xã.”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại làng nghề mây, tre đan Ninh Sở, đa phần các sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, không mang lại hiệu quả cao. Ngoài nguyên nhân khách quan đó thì yếu tố nhân lực, thợ lành nghề cũng ảnh hưởng không nhỏ, bởi đa số nghệ nhân ở tuổi “xưa nay hiếm”, thợ có tay nghề lại đếm trên đầu ngón tay, lớp thanh niên phần lớn không mặn mà với nghề mà hầu hết muốn thoát ly để tìm một nghề khác cho thu nhập khá hơn.
Được giới thiệu tới một trong những cơ sở sản xuất lâu đời nhất, nhì Ninh Sở, có thể thấy cơ sở sản xuất tại đây tuy đã tồn tại từ lâu nhưng quy trình sản xuất còn chưa chuyên nghiệp. Anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ sản xuất trao đổi “Mẫu mã sản phẩm ở đây đã được chúng tôi sản xuất từ những năm 60 đến tận bây giờ. Tất cả đều là hàng xuất đi các nước Đức, Hà Lan,...”. Có thể nói, thị trường tiêu thụ sản phẩm của mặt hàng mây tre đan ở Việt Nam chủ yếu là thị trường xuất khẩu nhưng cả người sản xuất, các hộ thu gom lớn, doanh nghiệp hay công ty ở địa phương cũng hạn chế về kiến thức thị trường, thị hiếu của khách hàng, chỉ làm rập khuôn theo đơn đặt hàng. Dẫn đến việc không chủ động trong sản xuất kinh doanh và không có các ý tưởng sáng tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới.
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề đến nay là khó khăn không chỉ tại Ninh Sở, mà còn ở hầu hết những nơi chúng tôi đã ghé thăm. Chính quyền xã Ninh Sở cũng chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để giải bài toán nguy cơ mai một của các làng nghề truyền thống khi nhu cầu của thị trường trong nước đối với mặt hàng này ngày càng thấp như hiện nay. Cái cần trước mắt là sự đoàn kết các cơ sở nhỏ lẻ, phát triển chiến lược thị trường, khám phá tích cực thị trường để đa dạng hóa các sản phẩm mây tre đan nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.